Đây là điểm đến rất hấp dẫn và thú vị của những ai muốn thưởng thức các món đặc sản của miền đất võ Tây Sơn.
Còn gì hấp dẫn hơn khi bạn ngồi dưới tản cây lộc vừng, nhâm nhi vài ngụm rượu Bàu đá và thưởng thức món cá mương chiên giòn cuốn với rau rừng: với vị chua của ít lá giang xanh, vị chát vài lá lộc vừng non đỏ, con cá chiên vàng béo ngậy, vị cay nồng của ớt xanh, của rượu, vị bùi bùi của bánh tráng Tây Sơn… thì hầu như dư vị “chua, cay, ngọt, bùi” của cuộc đời đều có cả, chỉ ở nhà hàng Hoa Lộc Vừng bạn mới có cơ hội thưởng thức món xôi cút rừng thật đặc biệt và hấp dẫn: những hạt nếp trắng tinh thơm lừng hương nếp mới hòa quyện với thịt cút rừng săn chắc và ngọt ngào sẽ làm đắm say tâm hồn giữa cảnh thiên nhiên hoang sơ và kỳ ảo.
Gà kiến Hầm Hô mới là một khám phá đầy bất ngờ và thú vị: Những chú gà non tơ, thịt vừa ngọt vừa thơm lừng thì làm sao bạn kìm lòng được, với những món gà hấp lá chanh, hấp hành, gà rôti hay nấu cháo do những đầu bếp tài hoa của nhà hàng chế biến.
Bên ánh lửa bập bùng của đêm hội, giữa cảnh sơn thủy hữu tình, sự quyến rũ của những chú chim mía béo ngậy và vàng ươm hòa cùng men rượu cần sẽ cho bạn có nhiều tri kỷ hơn.
Nằm thấp thoáng và e ấp dưới tán cây lộc vừng già, nhà hàng Hoa Lộc Vừng là nơi để bạn thư giãn tâm hồn, tránh xa những ồn ào và khói bụi của thành phố. Ngồi trong nhà hàng bạn có thể nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách và cả tiếng lá rơi, không chỉ có vậy ở đây còn có rất nhiều món ăn hấp dẫn như: ốc đá Hầm Hô, trứng kiến vàng, canh chua cá lóc, lòng bò xáo chuối… còn chần chừ gì nữa hãy khám phá và thưởng thức.
1. Cá mương chiên ăn kèm rau rừng cuốn bánh tráng:
Cá mương có hình dáng thon dài, to bằng ngón tay người lớn, thường sống thành từng đàn trong các dòng sông, con suối ở vùng đất Nam Trung Bộ. Loài cá này kích cỡ nhỏ nhất như ngón tay út và lớn nhất là khoảng cỡ ngón tay cái của người lớn.
Cá có màu ánh bạc rất sáng và sinh sống quanh năm, nhưng thường vào những tháng mùa mưa lụt thì thưa dần, vì loài cá này không chịu được dòng nước chảy mạnh. Đây là nguồn cá thiên nhiên, sạch và chỉ có ở một số vùng miền chứ không thông dụng như những loài cá khác.
Cá chiên lên giòn rụm, vàng ươm và rất thơm, không có mùi tanh, xương mềm như không hề cảm nhận có xương nên rất dễ ăn cho cả người già và trẻ con.Cá bắt từ suối Hầm Hô sẽ được chiên giòn và cuốn với các loại lá rừng như : lá giang, lá ngành ngạnh, lá chua lẻ …dưa leo, xoài, khế…và các loại rau gia vị khác cùng bánh tráng. Dùng nóng với nước mắm ớt tỏi, đặc biệt là ớt mọi, ớt rừng.
2. Chim mía rô ty:
Huyện Tây Sơn là một vùng trung du bán sơn địa, với lưu vực sông Kôn từ xưa bạt ngàn đồng mía. Trong đồng mía bạt ngàn của đất Tây Sơn ấy, có một loài chim nhỏ, cư trú từng đàn lớn, người ta gọi đó là chim mía Tây Sơn. Món đặc sản này nổi tiếng đến mức, du khách gần xa khi đến đây đã để lại câu nói:
Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong
Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao
Chim mía nhỏ như chim sẻ, tuy nhiên chân và mỏ dài hơn. Sau khi làm sạch, ướp sơ gia vị thì thả vào chảo dầu đậu phộng nguyên chất vừa sôi, chỉ mươi phút là chim đã vàng ruộm, xương thịt giòn tan. Dùng nóng.
3. Nộm măng điền trúc rau chua lẻ:
Chua lẻ chỉ mọc và sống được khi mùa mưa đến. Thân như cây cỏ dại, lá có hình răng cưa, thân và lá cao chừng 20 cm, mọng nước, giòn, sống nhiều ở nơi có độ ẩm cao. Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cây chua lẻ nảy mầm mọc lên thành từng vạt nhỏ khắp các nơi, nhiều nhất là ở những vùng đất soi cạnh đồng ruộng hoặc sông suối. Lá này có tác dụng thanh nhiệt.
Rau được hái trong KDL Hầm Hô và làm nộm chua ngọt cùng măng điền trúc. Vị giòn của măng kết hợp với chua dịu của lá chua lẻ sẽ đem đến trải nghiệm khó quên cho du khách.
4. Cá trủ kho tộ:
Trủ là một loại lưới mành dùng đánh bắt những loại cá nhỏ to nhất khoảng ngón tay người lớn. Cá bắt từ sông nên thịt săn chắc, được ướp với nghệ và gia vị rồi kho liu riu trên lửa nhỏ, tới khi con cá chín rục mà không nát, miếng cá mềm ăn được cả xương. Dùng nóng với cơm.
5. Trà lá vối:
Lá vối trong rừng Hầm Hô sẽ được nấu thành trà, đây là thức uống miễn phí cho du khách khi tới với Nhà Hàng Hoa Lộc Vừng. Đặc biệt loại trà này rất tốt cho sức khỏe vì có thể phòng và điều trị tiểu đường, chống ô xy hóa cho cơ thể, giúp đào thải chất độc và hỗ trợ tiêu hóa.
6. Bánh ít lá gai:
Là món tráng miệng giúp tiêu hóa tốt sau bữa ăn với thành phần : lá gai, bột nếp, dầu phụng, dừa, và đậu xanh.
Lá gai là lá của loại cây một mặt xanh, một mặt trắng bạc, hơi thô nhám. Chọn lá mướt, không bị sâu, đem rửa sạch, luộc chín, để ráo nước rồi giã cho thật nhuyễn, mịn như bột.
Nếp vo sạch, ngâm khoảng 3 – 4h rồi đem xay. Sau đó đăng bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại treo lên hoặc dùng một phiến đá đè lên bên trên để nước bên trong thoát ra ngoài, chỉ còn lại phần bột nếp.
Cho bột nếp, lá gai đã giã nhuyễn và đường đã thắng dẻo vào cối, tiếp tục quết mạnh cho hỗn hợp bột nếp, lá gai, đường hòa quyện vào nhau. Khi quết phải thoa dầu phụng sống vào đầu chày thường xuyên để bột khỏi dính và dầu được trộn đều vào bột.
Nhân bánh gồm đậu xanh, dừa và đường. Dừa được bào thành sợi, bỏ vào chảo xào chung với đường cho chín tới rồi cho đậu xanh đã nấu chín, bóc vỏ, thêm tí gừng vào xào chung với lửa nhỏ, đến khi nào hỗn hợp chuyển sang màu vàng sậm là được. Bánh được gói hình tháp vuông bằng lá chuối. Những chiếc lá đã được cắt vuông, tỉa tròn ở các cạnh và đem phơi nắng cho mềm để khi gói bánh không bị rách ( hoặc có thể hơ trên than hồng cho nhanh). Công đoạn cuối cùng là đem bánh hấp cách thủy cho chín.
Bánh ít lá gai rất dẻo nhưng không dính răng, ăn nhiều không sợ đau bụng vì trong lá gai có vị thuốc trị đau bụng. Cắn một miếng, vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị béo giòn của dừa, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo nên một cảm giác khoái khẩu không thể quên được.
CHỨNG NHẬN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM